Ở đây, 'Trang chủ' xin được đăng lại bài góp ý của cha Quyền về bài viết của mình đăng trên Blog của Học Viện: http://dongngoiloi.blogspot.com/2011/12/hoi-nhap-van-hoa-trong-cong-cuoc-truyen.html đồng thời sẽ có một vài lời tri ân và hồi đáp cha sớm nhất.
VÀI CẢM NHẬN VÀ ĐÔI LỜI GỢI Ý
Ant. Nguyễn Huy Quyền, SVD
Hôm trước, tình cờ vào Blog “dongngoiloi.blogspot.com”, tôi đọc được bài viết “Hội nhập văn hóa trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam”, của tác giả Peter Loan,SVD. Cám ơn tác giả đã khơi gợi cho tôi nhiều suy nghĩ về vấn đề truyền giáo tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, khi đọc xong những suy tư của tác giả, tôi thấy có một vài vấn đề xem ra hơi mơ hồ và chưa cụ thể.
Tôi suy nghĩ định viết một vài dòng cảm nhận, nhưng sợ người ta hiểu sai thiện ý của mình. Đem ý định này chia sẻ với cha Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD, ngài khuyến khích tôi viết một đôi dòng phản hồi trong tinh thần học hỏi và xây dựng. Với gợi ý đó, tôi quyết định nói lên một vài cảm nhận và gợi ý của tôi.
1. Cảm nhận
Cảm nhận đầu tiên của tôi về bài viết đó là, trong cái nhìn của tác giả về vấn đề “Hội nhập văn hóa trong công cuộc truyền giáo tại Việt Nam” có một cái gì đó bi quan, nếu không muốn nói là tiêu cực. Ngay câu đầu tiên của phần mở bài, tác giả đã nói lên bước tranh đầy ảm đạm và tiêu cực đó. Tuy nhiên, vì đây là một vấn đề của lịch sử, cho nên chúng ta không thể đứng ở thời điểm hiện tại để phê phán những điều đã xảy ra cách đây cảm mấy trăm năm.
Bởi vì, khi Tin Mừng đến với Việt Nam thì Công Đồng Vatican II chưa ra đời. Cho nên, các nhà truyền giáo lúc bấy giờ không thể là gì khác hơn được. Đồng thời, theo cái nhìn của tác giả thì “văn hóa và văn minh Kitô Giáo” xem ra cũng không mấy tốt đẹp. Bởi vì nó mang não trạng “thực dân văn hóa”, “thực dân thần học”, “thượng tôn lý trí”, “mang não trạng tự tôn” và “coi thường các nền văn hóa khác”.
Có đúng hoàn toàn như thế không? Chúng ta đừng quên rằng, mỗi nền văn hóa có một cái hay và giá trị riêng của nó.
Thứ đến, những nhận định của tác giả như “thực dân văn hóa”, “thực dân thần học”, “thượng tôn lý trí”, “mang não trạng tự tôn” và “coi thường các nền văn hóa khác”; thiếu tính khả thi. Tác giả có thể lấy một vài dẫn chứng để chứng minh cho nhận định của mình, nếu không người ta sẽ cho mình là người nói hàm hồ, không có căn cứ và thiếu tính khoa học.
Về mặt cấu trúc của bài viết, tôi thấy có một vài chỗ chưa logic trong lập luận, ý tưởng chưa mạch lạc. Mặt khác, tác giả có thể giới hạn phạm vi của bài viết cho khỏi lan man vấn đề mình muốn nói. Bởi vì, một mặt đang nói về “Hội nhập văn hóa trong vấn đề truyền giáo”, tác giả lại quay sang nói đến chuyện “làm thần học cho người Việt Nam”. Hai điều này tuy có liên hệ với nhau, nhưng nó thuộc về hai lãnh vực khác nhau.
Cuối cùng tôi hơi giật mình khi tác giả nói: “Công đồng bắt buộc chúng ta phải làm thần học cho người Việt Nam với tâm tình Việt Nam, phong hóa Việt Nam, dựa trên nền văn hóa lúa nước và làng xã, văn hóa Á Đông thấm nhuần Khổng Mạnh và Phật Giáo.” Tôi chưa thấy Công Đồng nào có sắc lệnh cho Giáo Hội Việt Nam phải làm điều nay?
2. Gợi ý
Từ những cảm nhận trên, tôi xin có một vài gợi ý như sau:
Trước hết, về mặt nguyên tắc, tác giả nên đưa ra khái niệm “văn hóa Việt Nam” là gì? Hay nói cách khác, cái gì là cốt lõi nhất của văn hóa Việt Nam. Có như thế người đọc mới thấy được lý do tại sao việc “truyền giáo tại Việt Nam” cần phải “hội nhập văn hóa Việt Nam”. Đồng thời, tác giả nên có một dàn bài rõ ràng và logic để người đọc dễ dàng nắm bắt vấn đề tác giả muốn nói.
Thứ đến, tác giả cũng nên giải thích khái niệm “Hội Nhập Văn Hóa” là gì? Có như thế người đọc mới biết được tác giả đang muốn hướng người đọc đi theo con đường nào? Bởi vì, “hội nhập văn hóa” là một khái niệm khá trừu tượng và đa nghĩa.
Cuối cùng, tôi xin có một gợi ý nhỏ thế này. Khi đọc khái niệm “hội nhập văn hóa”, tôi nhớ đến đoạn Tin Mừng Ga 12, 23-33, Đức Giêsu nói về hình ảnh “hạt lúa mì gieo vào lòng đất” và có một tưởng tượng như thế này.
Cách đây trên dưới năm trăm năm, có một người bên Tây Phương mang một hạt giống có tên gọi là “Tin Mừng”, mà cụ thể là Đức Giêsu, đến để gieo vào mảnh đất màu mỡ Việt Nam. Mảnh đất này có tên gọi là “văn hóa Việt Nam”. Hạt giống “Tin Mừng” này đã “mục nát” trong lòng đất “văn hóa Việt Nam”, nảy mầm và phát triển thành “cây” là Giáo hội Việt Nam.
Như thế, “cây” này muốn sống và phát triển thì nó phải hút “nước” và “chất dinh dưỡng” từ đất là “văn hóa Việt Nam”. Vậy, chúng ta thấy “nước” và “chất dinh dưỡng” của “văn hóa Việt Nam” là cái gì?
Trên đây là một vài cảm nhận và gợi ý của tôi. Như đã nói ở trên, tôi không có ý phê bình hay chê bai. Nhưng trong tinh thần góp ý và học hỏi, tôi xin nói lên một vài cảm nhận và gợi ý của mình. Hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm và góp ý cho đề tài này, để chúng ta cùng nhau tìm ra một hướng đi sao cho phù hợp với tinh thần của Công Đồng Vatican II và linh đạo của Dòng Ngôi Lời trong cuộc cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam.
No comments:
Post a Comment