Saturday 30 June 2012

Những nguyên nhân dẫn đến việc nhà Nguyễn bắt đạo

Đã có rất nhiều nhận định về cuộc bắt đạo của nhà Nguyễn, biện hộ có, kết án cũng không ít. Tuy vậy, để có những nhận định đúng và khách quan, thiết nghĩ cần phân tích kỹ các nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc cấm đạo của nhà Nguyễn.

Trong các nguyên nhân dẫn đến việc bắt đạo của nhà Nguyễn, sự hiểu lầm của nhà Nguyễn về đạo Công Giáo có lẽ là nguyên nhân xuyên suốt nhất. Thế nhưng, phải nói ngay rằng những sự hiểu lầm được nêu ra ở đây chỉ mang tính chất nhất thời và tương đối. Nhất thời vì trong những giai đoạn và hoàn cảnh đặc biệt nào đó các ông đã nghĩ như vậy, còn tương đối là vì đôi khi chỉ vì họ không chịu hiểu hoặc không muốn hiểu cho đúng.
A. Những sự hiểu lầm đáng tiếc
1. Sự "đơn sơ của các thừa sai
Trước hết, sự kiện chính trị gây hiểu lầm mạnh nhất là việc một hai thừa sai đề nghị Tây Phương chiếm chỗ này chỗ khác ở Việt Nam[1]. Mặc dầu bị thúc đẩy bởi ý hướng đẩy mạnh truyền giáo, việc làm của các ngài là lý do để nhà Nguyễn khẳng định rằng các thừa sai lợi dụng việc truyền đạo để dò thám cho quân đội Pháp viễn chinh. Nếu xét một cách khách quan thì sự việc Pháp xâm nhập nước ta là một tất yếu lịch sử vì chưng chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn cản trở kế hoạch mở rộng thị trường của các nước Tây phương. Thế nhưng nhà Nguyễn cũng như nhân dân Việt Nam vẫn nghĩ rằng chính các thừa sai và người Công Giáo đã ‘nối dáo cho giặc’. Do đó, nhà Nguyễn coi chính sách cấm đạo là biện pháp cơ bản để bảo vệ nền thống trị của dòng họ mình.
2. Sự tham lam và tỵ hiềm
Kế đến, vì ghanh tỵ và muốn hạ bệ các quan có đạo hay vì xu nịnh hùa theo chiếu chỉ cấm đạo để lấy lòng vua, một số quan đã dâng sớ tố cáo người Công Giáo đủ điều xấu xa làm vua hiểu lầm thêm và phấn chấn hơn trong việc tàn sát đạo. Bên cạnh đó, một số quan cấp thấp và dân chúng hám lợi đua nhau tố cáo các thừa sai và Kitô hữu để nhận tiền thưởng cũng làm cho vua nghĩ rằng đa số dân chúng không có cảm tình gì với thứ “tả đạo” này.
3. Thiếu thấu hiểu
Ngoài ra, những sắc chỉ cấm đạo cho thấy rằng các vua hiểu rất ít hoặc hiểu lầm về đạo Công Giáo. Những gán ghép thiếu cơ sở và những nhận định mập mờ, có khi chung chung chứng tỏ các ông chẳng hiểu bao nhiêu về đạo. Minh Mạng, sau khi đã chém và chôn thừa sai Gagelin tại Phú Cam, cảm thấy không an tâm nên bắt khai quật thi hài ngài lên xem đã chết thật chưa. Sau đó cho chôn lại và ra lệnh sẽ bắt giáo dân đền mạng nếu họ để ngài sống lại.[2]
4. Địa vị vua bị hạ giá?
Cuối cùng, sự hiểu lầm đi đến đỉnh điểm khi các vua kết cho các tín hữu tội khi quân, buộc họ phải lựa chọn giữa ‘yêu nước’ và giữ đạo. Trước nhiều thế lực chống đối, các vua cố bảo vệ ngai vàng bằng cách đồng hóa vương quyền với chủ quyền dân tộc, từ đó đẩy những ai chống lệnh vua vào loại cần tiêu diệt để “bảo vệ đất nước”. Các ông nghĩ rằng theo đạo của kẻ thù thì có nghĩa là chống lại tổ quốc, hơn nữa khi vua cấm mà vẫn cố chấp thì quả là “hết thuốc chữa”. Trong não trạng thượng tôn Tống Nho, việc người Công Giáo tuân lệnh vua có suy nghĩ, có lựa chọn, nghĩa là chỉ tuân giữ luật lệ hợp lý, và sẵn sàng từ chối điều ngược với lương tâm làm vua cảm thấy bị hạ giá, chữ trung bị xếp sau chữ hiếu. Nói về sự hiểu lầm này Trần Trọng Kim đã nhận định xác đáng: “Cấm mà không được thì tất là phải giết, mà khi cấm và giết như vậy vẫn tưởng mình làm bổn phận làm vua”[3].
Như vừa trình bày, việc bắt đạo của nhà Nguyễn đến từ nhiều lý do khác nhau nhưng lồng vào đó là những hiểu lầm đáng tiếc. Tuy nhiên, kết án một tập thể lớn như thế với những bản án hết sức tàn nhẫn mà không chịu tìm hiểu thật kỹ lưỡng thì không thể gọi là “không có ác ý”. Những chính sách cứng rắn và mạnh tay như thế không thể hiện được một sự vững vàng trong lãnh đạo nhưng để lộ tâm lý bất ổn của một chính quyền yếu kém.
B. Những dấu hiệu yếu kém trong lãnh đạo
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ tâm lý của một chính quyền yếu kém, muốn hướng dẫn dư luận đi theo dụng ý bảo toàn ngai vàng cho dòng họ mình. Thống nhất được đất nước nhưng không đủ khả năng thống nhất được lòng dân, khắp nơi xảy ra loạn lạc, giặc giã, nhà Nguyễn có cảm tưởng bất trắc, bấp bênh và bất an. Từ đó, các ông thực hiện chính sách thâu tóm quyền lực và trấn áp tinh thần dân chúng. Minh Mạng xử rất nặng với những ai bị bắt do tội chống đối để cảnh cáo dân chúng. Trong tình thế đó, người Công Giáo được dùng để làm “công cụ giáo dục” dân. Những lời lẽ sau đây vừa tỏ rõ thái độ biểu dương quyền bính và cực lực khủng bố tinh thần các Ki-tô hữu cũng như dân chúng: “... cả nước không ai dám trái lệnh Trẫm, thế mà bọn đê hèn này dám cưỡng lại! Trẫm sẽ làm cỏ bọn này! Cứ đánh đập, đừng xót thương! Cứ xé ra trăm mảnh cái bọn mù quáng, cố chấp, không bước qua thập tự.”[4] Hơn nữa, ngay trong chiếu chỉ cấm đạo thứ nhất, ông đã dùng rất nhiều từ ngữ như “ý trẫm”, “lời trẫm”, “uy quyền trẫm”, “thượng lệnh”, “thánh ý”, ... để mọi người thấy uy quyền tối cao của mình. Giờ đây người Công Giáo bị kết vào tội “khi quân”, chống lại thiên tử, kẻ thế thiên hành đạo. Đây là một tội không thể chấp nhận đối với một triều đại đang cố gắng thâu tóm quyền lực.
Nhà Nguyễn đã tiếp cận với các thừa sai rất nhiều, được các ngài giúp đỡ cũng không ít, do đó, phần lớn những lời nhận xét thiên lệch về đạo không xuất phát từ những gì các ông nghĩ mà do ý đồ riêng. Bằng cách phỉ báng đạo, xuyên tạc gây hiểu lầm về đạo trong lòng dân, Minh Mạng muốn lôi kéo dân chúng về phía ông để họ hậu thuẫn cho những việc làm tàn ác của ông. Từ đó, ông dùng đạo Công Giáo để nâng cao địa vị, để chứng tỏ mình và nhất là dằn mặt quân phản loạn. Như thế, ông vừa được thỏa lòng căm ghét của mình vừa tỏ rõ thái độ đối với những ai đang có âm mưu cướp chính quyền. Tựu trung, vừa vì lý do chính trị vừa bởi lý do cá nhân, Minh Mạng đã đi ngược lại với luân thường đạo lý và làm điều tàn ác là giết hại những thần dân vô tội.
Qua một thời gian việc cấm đạo được Thiệu Trị bỏ lơ, Tự Đức tiếp tục cả đường lối lẫn thái độ của ông nội: mê đắm quyền lực và tôn thờ chính mình. Trước hết, ông xuyên tạc về đạo để gây hiểu lầm hầu hướng dẫn dư luận làm cho mọi người cùng căm ghét đạo. Bằng những lý luận khá sắc bén và những dẫn chứng khá ấn tượng, ông vẽ lên trong trí người dân một hình ảnh tồi tệ về thứ “tả đạo Tây Âu” này. Trước thái độ ngày càng hung hãn và xâm lấn của Pháp, ông càng nghi kỵ và tìm cách tiêu diệt người Công Giáo, thứ “sản phẩm” mà chúng mang tới.
Để hiểu thêm về tài lèo lái dư luận của Tự Đức, chúng ta đọc lại lời biện minh của ông tháng 7/1864: “Ngạn ngữ có câu: vua có lỗi, thần dân cũng không được buồn, cha xử không tốt cũng không phải là duyên cớ để con bất hiếu. Điều ấy lại càng đúng khi người cha không có ác ý...”[5] Người viết cho đây là lời biện minh của Tự Đức bởi vì trong những năm trước đó ông đã ráo riết bắt đạo, dù thấy rõ lòng yêu nước của người Công Giáo. Lời biện minh này được đưa ra trong hoàn cảnh Pháp đang thắng thế với hòa ước Nhâm Tuất năm 1862 càng làm chúng ta hiểu rõ lý do “xuống nước” của Tự Đức đối với người Công Giáo. Nói ra những lời trên trước hết Tự Đức muốn chứng tỏ mình đã thi hành hòa ước đã ký kết đồng thời muốn “chạy tội” về những chính sách thiếu nhân văn của mình.
Nguyên nhân cuối cùng thuộc phạm vi tôn giáo, tuy nhiên, phải chăng nhà Nguyễn đưa ra lý do tôn giáo nhằm một mục đích khác nữa? Dựa vào những từ ngữ được dùng trong các chiếu chỉ cấm đạo như “từ bỏ tả đạo,” “trở về đạo ngay,” “bỏ đàng lạc mà quay về đàng chính,” “vì vinh quang của đạo thật”, chúng ta dễ nhận thấy rằng nhà Nguyễn trưng dẫn lý do tôn giáo để bắt đạo. “Đạo thật,” “đường ngay” ở đây chính là Tống Nho, đạo được nhà Nguyễn độc tôn và áp dụng tối đa. Các ông đang cần một đạo thờ vua tối mặt, triệt để tôn quân, quan niệm rằng vua thừa mệnh trời trị dân để biện minh cho những mệnh lệnh độc đoán của mình bằng lý lẽ: quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung. Độc tôn Nho Giáo cũng là một “độc chiêu” hầu lấy lòng tầng lớp nho sĩ trí thức để đề phòng nguy cơ chia bè kết đảng chống đối triều đình. Đến đây dụng ý của nhà Nguyễn đã lộ rõ, triệt tiêu Công Giáo và thượng tôn Tống Nho vừa diệt được mầm móng phản quốc vừa thâu tóm được quyền lực. Cũng trong ý hướng đó, các ông còn kết án Công Giáo phá bỏ phong tục tiền nhân, bất kính với phụ mẫu quá cố để dễ bề đàn áp đạo. Như vậy, lý do tôn giáo được nhà Nguyễn trưng dẫn không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ “đạo ngay” nhưng còn là “kế sách” để duy trì ngai vàng của các ông.
Tàn ác thì đúng là thật tàn ác, nhưng, hoàn cảnh lịch sử cũng như tâm lý con người đều có tiếng nói của chúng. Vì hiểu lầm và vì muốn bảo vệ quyền thống trị của dòng họ mà nhà Nguyễn hành động thiếu khôn ngoan đồng thời thiếu luôn lẽ phải. Hơn nữa, như sự so sánh độc đáo của linh mục Đào Trung Hiệu, các vua nhà Nguyễn không giống với Nêron bạo chúa, không tìm vui thú trong việc hành hạ người khác. Ngoài ra, qua một số chiếu chỉ và cách thụ lý hay thái độ xử án, chúng ta nhận thấy các ông vẫn muốn tha hơn là giết, tựa như hoàng đế Trajan đối xử với Giáo hội sơ khai. Cuối cùng, thiết nghĩ các thừa sai cũng phải nhận một phần trách nhiệm vì đã gây ra những hiểu lầm đáng tiếc cho nhà Nguyễn và nhân dân Việt Nam mà đến nay vẫn chưa thể khai thông hết được.


[1] X. Nguyễn Văn Trinh, Lược sử Giáo hội Việt Nam, (ĐCV thánh Giuse: 1994), tr. 209 - 210.
[2] X. Nguyễn Thế Thoại, Công Giáo trên quê hương Việt Nam, (Lưu hành nội bộ: 2001), tr. 98.
[3] Việt Nam Lược Sử, (Saigon: 1971), q.II, tr. 186. Trích trong Đào Trung Hiệu, Cuộc lữ hành đức tin, tập II, tr. 182.
[4] Louvet, La Cochinine Religieuse II, tr. 54.
[5] Patrich Tuck, Thừa sai Công Giáo Pháp 1857-1859, UBĐKCGVN, (Tp HCM: 1989), tr. 181-188. Trích lại trong Đào Trung Hiệu, Sđd, tr. 183.

No comments:

Post a Comment