Saturday 23 June 2012

NHỮNG NỖ LỰC GIÚP GẶP GỠ CHÚA QUA LỜI CHÚA

 

Thánh Kinh cũng như Thánh Truyền lưu lại cho chúng ta những kinh nghiệm quí báu về sự gặp gỡ Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể và chính là Lời của Thiên Chúa ngỏ với con người. Những cuộc gặp gỡ thực sự và đúng nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến nhiều người và đã gây ra hiệu quả tích cực nơi họ. Hiệu quả rõ ràng nhất là niềm vui dâng trào và nhu cầu cần được chia sẻ với người khác, hay có thể nói như thánh Tôma Aquinô: “sự thiện tự nó có tính phát tỏa” (bonum diffisium sui). [=Hữu xạ tự nhiên hương] Đức Maria là người đầu tiên gặp gỡ Đức Giêsu và chính Ngài đã vội vã lên đường mang Chúa đến cho người chị họ và đứa con bà đang mang trong bụng (x. Lc 1, 39-56). Ông Gioan Tẩy Giả gặp được Đức Giêsu tại sông Gio-đan liền giới thiệu cho các đệ tử thân tín của mình rằng Ngài là Đấng Kitô và sẵn sàng để hai người học trò đi theo Ngài. Anrê hý hững nói với em mình một cách xác tín trong sự vui mừng rằng “chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” và dẫn Phêrô tới gặp Ngài.
Đó là những kinh nghiệm đặc trưng của những người đã thực sự gặp Chúa. Những kinh nghiệm đó có một điểm chung là niềm vui vỡ òa và nhu cầu được chia sẻ. Như vậy chúng ta cũng có thể áp dụng kinh nghiệm này cho những cá nhân hay tập thể đã khám phá ra những con đường gặp gỡ Chúa và đã truyền lại cho chúng ta. Trong phần này người viết xin được giới thiệu một số phương pháp đọc và chia sẽ Lời Chúa đã được áp dụng và lưu truyền trong các Giáo hội địa phương và sau đó được nhiều người ở nhiều nơi mến mộ. Ước mong những tài liệu này giúp mọi người khám phá cho chính mình một phương cách gặp gỡ chính Chúa một cách hữu hiệu. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Liên hội đồng Giám mục Á Châu (The Federation of Asian Bishop’s  Conferences, viết tắt là FABC) trong kỳ họp tại Bangdung, Indonesia từ ngày 17 đến 27 tháng 7.1990 với chủ đề ALTERNATIVE WAYS OF BEING CHURCH IN THE ASIA OF THE 1990’s (tạm dịch là NHỮNG CÁCH THỂ HIỆN GIÁO HỘI KHÁC TẠI CHÂU Á TRONG THẬP NIÊN 90). Trong bối cảnh của một Giáo hội mà người giáo dân ý thức trách nhiệm phải sống Đạo một cách trưởng thành, phải tích cực cùng với anh chị em trong cộng đoàn hay nhóm nhỏ tìm hiểu và sống Lời Chúa, họ được khuyến khích thực hành các Phương Pháp Thánh Kinh thực hành.[1]

1.      Những phương pháp đọc Thánh Kinh

Trong Kitô giáo nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng, có nhiều phương pháp đọc Thánh Kinh, nhưng chung qui có 5 phương pháp cơ bản và có thể bao hàm những phương pháp khác.
1.1.   Đọc xuyên suốt
Đọc 3 hoặc 4 chương mỗi ngày, chú tâm đến từ ngữ, chủ đề và các biểu tượng.
1.2.   Đọc chăm chú (đọc để hiểu / đọc hiểu)
Đọc một bản văn nhiều lần, đọc lớn tiếng rồi đọc thầm, sau đó trả lời các câu hỏi: Ai? Chuyện gì? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Tại sao? Đọc nhiều bản dịch khác nhau hoặc đọc bằng nhiều ngôn ngữ; viết bản văn ra giấy; xem chú giải. Đặc biệt chú ý đến các yếu tố liên quan đến việc phổ biến Lời Chúa, sứ mệnh, lời thoại, …; để tâm đến các nhân tố văn hóa. Ghi ra những hiểu biết, khám phá, khắc khoải và cả những thách đố trong việc thực hành Lời Chúa.
1.3.   Đọc để cầu nguyện với 4 bước
Đọc bản văn, Suy niệm, Cầu nguyện và Chiêm ngắm để dẫn đến hành động.
1.4.   Đọc theo chu kỳ phụng vụ
Đọc như được cử hành trong phụng vụ nơi Lời Chúa được công bố và cử hành cho chúng ta để chúng ta được nuôi dưỡng cả trên bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể.
(Trích từ “Năm đọc Kinh Thánh của các nhà Truyền giáo Ngôi Lời”, 2005)
1.5.   Lectio Divina theo cha Daniel Ocist[2]
Bước 1. Bắt đầu buổi “Đọc Lời Chúa” bằng một vài nghi thức diễn tả lòng tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô nơi Lời Ngài, chẳng hạn như thắp một cây nến; kính cẩn mở sách Lời Chúa. Thinh lặng.
Bước 2. Cầu xin Chúa Cha ban Chúa THÁNH THẦN cho tất cả những người sắp nghe Lời Chúa.
Bước 3. Đọc Lời Chúa qua bốn giai đoạn. Các giai đoạn này được rút từ Mt 7,7: “Hãy tìm sẽ gặp; Hãy gõ người ta sẽ mở cho”:
Giai đoạn 1: Tìm kiếm trong khi đọc
Đọc lại ba lần một bản văn Kinh Thánh đã chọn: đọc chậm rãi, suy niệm và kính cẩn, bởi vì Lời Chúa nói qua miệng chúng ta. Tiếp đến, những người hiện diện, mỗi người lần lượt đọc lại chậm rãi một câu. Sau khi tất cả đọc xong, thì trở lại đọc kinh cầu xin Chúa THÁNH THẦN, thường thì dùng một điệp khúc, để buổi Đọc Lời Chúa được diễn ra trong bầu khí cầu nguyện và lắng nghe. Đọc Lời Chúa là một buổi cầu nguyện dưới tác động của Lời Chúa với tinh thần chăm chú lắng nghe.
Giai đoạn 2: Gặp thấy khi suy gẫm
Suy gẫm bằng cách: mỗi người hiện diện đọc lại một câu ngắn của bản văn, nhưng không thêm lời bàn. Làm như thế sẽ giúp nghiền ngẫm, lập đi lập lại Lời Chúa và ghi khắc Lời Chúa vào tâm lòng. Phương thức suy gẫm chung này giúp mỗi người biết lắng nghe tiếng vang của Lời Chúa nơi con tim của người khác. Chính Chúa THÁNH LINH hướng dẫn và nhờ đó, việc suy gẫm cũng như việc làm vang dội lại Lời Chúa trong lòng Giáo Hội, trở thành buổi hòa tấu chúc tụng dâng lên THIÊN CHÚA CHA, Đấng đã trao ban Lời Ngài cho chúng ta.
Giai đoạn thứ hai này kết thúc bằng việc đọc thêm một vài đoạn văn Kinh Thánh khác, hầu giúp những người hiện diện hiểu rõ hơn đoạn Kinh Thánh được chọn để suy gẫm. Bởi vì chính Kinh Thánh tự bàn luận về Kinh Thánh. Làm như thế tức là chúng ta để cho Lời Chúa được ghi khắc vào lòng, bằng những lời Kinh Thánh khác, như là những lời đến để giải thích, khẳng định và khai triển thêm cho Lời Chúa đã suy gẫm, hầu giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn nữa.
Giai đoạn 3: Gõ cửa khi cầu nguyện
Chúa Cha nói với chúng ta qua Lời của Chúa GIÊSU: chúng ta lắng nghe Lời Chúa bằng đôi tai của con tim. Giờ đây chúng ta đáp Lời Chúa bằng việc cầu nguyện. Nhưng chúng ta vẫn còn dùng Lời Chúa để đáp lại Lời Chúa. Cũng hơi tương tự như trong thánh lễ, chúng ta dùng Thánh Vịnh là chính Lời Chúa để đáp lại Lời Chúa. Chúa Cha trao ban cho chúng ta Lời Ngài để chúng ta cầu nguyện. Vậy thì cách tốt nhất là chúng ta hãy dùng chính những Lời của bản văn suy gẫm để cầu nguyện. Như thế Lời Chúa trở thành Lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện Lời Chúa. Chính ở điểm này mà việc Đọc Lời Chúa có ý nghĩa. Và cũng chính nơi đây mà hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái.
Giai đoạn 4: Bước vào khi chiêm ngắm
Lời Chúa kêu mời HIỆP THÔNG, một hiệp thông giống như khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Chúng ta giữ thinh lặng một lúc lâu để ở lại trong sự hiện diện của Đấng đã nói với chúng ta bằng Lời của Ngài. Ở đây không có phương thức nào khác ngoài phương thức do Chúa THÁNH LINH hướng dẫn nơi lòng của mỗi người, bởi vì chính Ngài mới là Vị Thầy chân thật dạy cho chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào.
Giai đoạn 5 là giai đoạn chuyển sang hành động, dấn thân sống Lời Chúa, sau khi đã gặp được Chúa.



[1] X. Giêrônimô Nguyễn Văn Nội, “Khóa IV: Kinh Thánh Thực Hành”,  http://173.201.164.97/tailieu/DaoTaoGiaoDan/Khoa04_LoiGioiThieu.htm, truy cập 23/04/2012
[2] Linh Mục Marc-Daniel, Đan Viện Xitô Rougemont, Québec, Canada hướng dẫn. Tháng 6/10/11 năm 1991. Nữ tu Marie-Thérèse Dugas, SSS đúc kết. Nữ tu Jean Berchmans Minh Nguyệt dịch.

No comments:

Post a Comment