Monday 18 June 2012

“TRƯỚC KHI SỐNG VỚI NGƯỜI KHÁC

 TÔI PHẢI LÀ CHÍNH TÔI!”
Tài liệu tham khảo:  Nguyễn Trọng Viễn, Triết học hiện đại (HCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2008);
 Adrian Van Kaam, C.S.Sp., Religion and personality, (New York: Englewood Cliffs, 1964), Nhân cách tôn giáo, Ngô Văn Vững dịch;  Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh (Sài Gòn: Thời mới, 1968).

“Con đường đi đến hữu thể đi qua cái tôi. Do đó, trước tiên phải khám phá chính huyền nhiệm của cái tôi.”[1] Con người là hữu thể tương quan, mỗi người được sinh ra để sống với người khác và thế giới. Tự bản tính con người đã có khuynh hướng vươn ra, mỗi người thực sự cần tới người khác và thế giới để sống và sống xứng đáng như một con người. Hơn thế nữa, con người chỉ trở thành chính mình trong tương quan với người khác. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động hướng đến hữu thể khác đó phải phát xuất từ một chủ thể, chủ thể này cần thiết cho tương quan ‘sống với’ như chủ từ cần thiết cho một động từ. Mỗi người có nhu cầu tự khẳng định chính mình, tôi là tôi, một cái tôi độc đáo, cá biệt, bất khả phân chia. Và như thế, mỗi người một vẻ, từ ngoại hình cho đến tinh thần, không ai là một bản sao của ai và chẳng ai muốn làm một cái bóng của người khác hay bị chìm vào tình trạng vô danh. Mỗi người có quyền và có trách nhiệm trên chính những hành vi của mình, và trên hết, chịu trách nhiệm trên chính cuộc đời của mình. Tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng đã viết trong cuốn Hạnh phúc trong tầm tay rất rõ rằng: “Bạn là người thợ xây đang xây dựng đời mình, bạn xây như thế nào, bạn sẽ hưởng như thế ấy.” Như vậy, không ai khác mà là chính ta phải tự hoàn thành vận mệnh đời mình theo cách thế riêng của mình.


Để trở nên chính mình, trước hết phải ý thức về sự hiện hữu của chính bản thân mình, tiếp đó chấp nhận bản thân để cuối cùng vươn lên một nhân cách trưởng thành trong tương quan với tha nhân.

a.      Ý thức về chính mình


Ý thức là một khả năng đặc biệt của con người, nó làm cho con người vượt hẳn lên trên thế giới loài vật. Còn tự ý thức là một mức độ cao hơn của ý thức, là sự đào sâu, khám phá nội tâm để tự cải tạo và hoàn thiện bản thân. Cơ sở của tự ý thức, tự hoàn thiện là năng lực cảm nhận sự thật, trước hết là sự thật của cõi lòng mình. Nhìn thẳng vào sự thật bao giờ cũng đã là khó, nhìn thẳng vào lương tâm, tâm hồn mình càng khó khăn hơn. Đó là một cuộc đấu tranh quyết liệt cần cả sự hy sinh, lòng trung thực, thái độ dũng cảm và cả những ước muốn cao cả. Tuy nhiên, chỉ khi nào tôi ý thức về mình và chấp nhận chính mình hoàn toàn, tôi mới có thể sống con người đích thực của tôi một cách sung mãn. Nếu tôi là một thực thể nặng nề, chậm chạp, buồn chán, không có một diện mạo riêng biệt, sống một cuộc đời tầm thường hòa lẫn với đám đông, thì tôi không thể trở nên một nhân cách riêng biệt và có thể sống một cách mới mẻ và độc đáo được.

Trước hết, ý thức chính mình là một cái tôi độc đáo duy nhất bất khả thay thế để dám là chính mình, dám thể hiện cái độc đáo đó như một dự định hiện hữu của mình. Newman đã nhấn mạnh điều này: “Tôi được sáng tạo để làm và để là một cái gì đó mà không một ai cũng được sáng tạo để làm và để là cái đó.” Sống cái tôi độc đáo không phải là sống lập dị mà là biểu lộ thái độ tự lập, sống với con người thật của mình, khẳng định nhân cách của mình và sống cá tính của mình. Đi kèm với sự độc đáo của bản ngã là sứ mệnh độc nhất của mỗi người. Con người chỉ sống trọn vẹn đời mình khi nhận ra và quyết chí hoàn thành sứ mệnh cá nhân của mình. Đương nhiên, thực hiện sứ mệnh cá nhân không có nghĩa là làm những việc phi thường, nhưng là “làm mọi việc thông thường một cách độc đáo, với một tình thương đặc biệt, một ý thức trách nhiệm, một sự cam kết đặc biệt và theo đường lối riêng biệt của mình.”[2]

Kế đến, ý thức chính mình là một thể thống nhất không phân chia. “Bao lâu con người còn bị phân chia nơi chính mình, bao lâu dự định hiện hữu của nó còn lưỡng nghi phân đôi và gãy đổ, nó chưa phải là một nhân cách.”[3] Con người là một thực thể đơn nhất, bất khả phân chia, bất khả tương nhượng. Do đó, chỉ khi nào có thể thống nhất được con người bên trong và những biểu hiện bên ngoài của mình, con người mới duy trì được đơn nhất tính nơi con người mình và khi đó họ mới thực sự thực hiện được một nhân cách trưởng thành.

Trên hết, ý thức về chính mình là ý thức về giá trị bản thân, một ý thức căn bản và thiết yếu giúp con người có đủ khả năng và nghị lực để vươn lên và sống hạnh phúc. Khi suy tư về huyền nhiệm hữu thể, Gabriel Marcel phân biệt “hiện hữu” và “chiếm hữu” như hai phạm trù khác biệt nhau, không thể giản lược vào nhau. Ông nhấn mạnh răng: “Những cái tôi sở hữu của tôi. Như vậy, chúng không phải là tôi, và tất nhiên, tôi càng không phải là chúng.”[4] Và như thế, ““chiếm hữu” bao giờ cũng là chiếm hữu một điều gì khác với chính mình, ở ngoài mình và không trực tiếp làm tăng thêm hay giảm bớt đi con người thật của mình. […]. Còn “hiện hữu” là thực hiện chính cuộc đời mình; thể hiện bằng lựa chọn, bằng tự do và bằng sự sáng tạo làm thăng tiến phẩm chất hiện sinh của mình.”[5] Do đó, giá trị bản thân hệ tại ở “cái tôi là”, một “giá trị nội tại”, phát xuất từ bên trong, chứ không phải do “cái tôi có”, những biểu hiện bên ngoài như khả năng, đạo đức, thông minh, ngoại hình hay tài sản của tôi. “Người có ý thức về giá trị bản thân (self-esteem) cao không phải là người tự đề cao vì mình tài giỏi hay đức hạnh. Đó là người tự tin rằng mình là người xứng đáng để được hạnh phúc và thành công. Giá trị đơn giản nằm ở chỗ họ là con người. Họ biết quí trọng bản thân. Họ không phải luôn là người thành công vang dội, họ là người bình thường nhưng khi vấp ngã thì họ tự trỗi dậy.”[6] Xét về phương diện vật chất, con người chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ bao la, tuy nhiên, chính nó lại là một giá trị và một phẩm giá vô biên, bất khả xâm phạm mà chính người đó và tất cả những người khác phải tôn trọng một cách vô điều kiện. Ý thức về giá trị bản thân cũng bao hàm sự ý thức về một nhân vị có giá trị tối thượng, một hữu thể tự tại, bất khả phân chia, cá biệt và độc nhất vô nhị. Newman từng nói: “Điều cốt yếu là nhận ra rằng tôi thực sự cần thiết trong vị trí của tôi chứ không phải tôi giàu có hay nghèo nàn, được yêu mến hay bị ghét bỏ.” Chỉ khi nào tôi nhận ra được con người thật của mình và sống chân thực với con người đó, tôi mới thoát khỏi sự chi phối có tính quyết định của ngoại giới đối với nhân cách và bắt đầu thống nhất giữa con người thật bên trong và những biểu lộ bên ngoài của tôi. Khi đó, tôi dễ đón nhận chính mình và tiến đến “thực hiện” một nhân cách trưởng thành.

b.      Đón nhận chính mình


Mỗi người là một quà tặng vô giá, một kỳ quan có một không hai đồng thời là một hữu thể giới hạn trong tính duy nhất của sứ mệnh và sự độc nhất của bản thân. Khi đã ý thức về chính mình, về giá trị bản thân và những giới hạn vốn có trong con người mình, người ta vui vẻ đón nhận chính mình. “Một nhân cách vững mạnh nhưng bình thản nhẹ nhàng, được xây dựng trên việc vui lòng chấp nhận sứ mạng độc nhất và giới hạn duy nhất của mình. Chỉ khi nào một người chấp nhận chính thực tại của mình thì mới thấy được bình an nơi chính mình. (…). Điều này không có nghĩa là người ấy trở nên kiêu hãnh; trái lại người ấy tôn trọng và chấp nhận nhiệm vụ độc nhất và giới hạn mà Chúa trao phó. Người ấy không tìm kiếm một sứ mạng khác, không ghen tương, thèm thuồng tài năng của người khác, chẳng nỗ lực tìm kiếm điều mình không thể có, không mù quáng bắt chước một con người nào khác.”[7]

Ngoài ra, chúng ta cũng không quên tự bản chất con người có sự yếu đuối và bao lâu chúng ta còn sống bấy lâu chúng ta còn gây ra những lỗi lầm. Yếu đuối của chúng ta có thể là sự sợ hãi, ước muốn và những thôi thúc từ nhu cầu thâm sâu trong con người mình. Từ những yếu đuối đó, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thực hiện những hành động ti tiện gây ra những lỗi lầm đáng tiếc. Sống giữa một cộng đoàn đa dạng về nhân cách, nhận thức, văn hóa và ngay cả thế hệ, chúng ta dễ sinh ra bảo thủ, ích kỷ, ghanh tỵ, đố kỵ và đặc biệt chỉ trích nhau. Chấp nhận con người mình có những yếu đuối như thế để trước hết đón nhận chính mình như một hữu thể bất toàn đang vươn tới sự toàn thiện và đồng thời cảm thông với những giới hạn của tha nhân.

Sau cùng, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người được sinh ra trong một hoàn cảnh và tình trạng bẩm sinh riêng biệt. Do đó, mỗi người mang trong mình những ưu khuyết điểm cần được chính họ ý thức và đón nhận như những món quà của cuộc sống. Trong tập Quà gởi em, linh mục Trần Duy Nhiên gởi đến các bạn trẻ những lời nhắn nhủ rất thực: “Khi đã nhận thấy được những ưu và khuyết điểm của mình, em không nên quá tự hào về ưu điểm. Xét cho cùng, những ưu điểm đó có thể là em không có công gì cả, hoặc nếu em có phát triển thì bất cứ ai có điều kiện bẩm sinh và hoàn cảnh thuận tiện như em cũng sẽ có ưu điểm đó.

Ngược lại, khuyết điểm của em cũng không có quyền gây cho em một mặc cảm nào: con người là nạn nhân của khuyết điểm mình; và phần lỗi của mình chưa chắc là phần quyết định. Cố nhiên em sẽ kiên trì sửa sai, nhưng dù sao đi nữa, em hãy chấp nhận bản thân và thông cảm cho chính mình.”[8]

Ý thức, chấp nhận và đón nhận mình như mình là có thể là một xuất phát điểm hợp lý để tiến đến hình thành một nhân cách trưởng thành.

c.       Một nhân cách trưởng thành


Cách nay gần một thế kỷ, Edmund Husserl cho rằng con người không phải là một bản chất đã hoàn thành; vận mạng con người không phải đã có đáp số khi được sinh ra làm người. Mỗi người chỉ là mình thể hiện trọn vẹn bản thân mình tùy theo mức độ thể hiện mình như là một chủ thể sinh hoạt tại thế. Hữu thể căn bản của con người là một sinh hoạt tại thế; và như thế, một lãnh vực mới được mở ra, chân lý của đời người không chỉ có nghĩa là hợp lý của thế giới ý tưởng, nhưng là sự thật của bản thân, sự thật trong kinh nghiệm sống của ta.[9] Như vậy, một nhân cách trưởng thành là một nhân cách đang vươn tới, đang lớn lên và đang thăng tiến chứ không phải là một cái gì đã hoàn tất mỹ mãn, đã đạt tới đỉnh cao. Ý thức về sự “có thể trở nên khác” thôi thúc tôi sống cuộc đời mình như một dự phóng, mỗi lần dấn bước là một lần làm cuộc vượt thoát khỏi những giới hạn để tiến tới mội tình trạng tốt hơn. Điều này đã được giáo sư tiến sĩ Adrian Van Kaam nhấn mạnh: “Không bao giờ được coi nhân cách như một sản phẩm đã hoàn thành, một gói các đức tính đáng quý được cất kỹ trong kho tàng. Nhân cách đích thực là phát triển, tăng trưởng tỏa lan. […]. Nó không phải là một tình trạng người ta đã hoàn thành một lần cho tất cả, nên bây giờ chỉ có việc là ngồi nghỉ. Người ta không bao giờ ngừng trở thành một nhân cách. Người ta không bao giờ có thể nói: “Như vậy đã đủ. Tôi đã hoàn thành nhân cách của tôi. Bây giờ tôi có thể hưởng thụ.” Lúc mà người ta nhìn nhân cách mình dưới nhãn quan đó, người ta không còn là một nhân cách nữa, bởi vì người ta đã mất sự cởi mở năng động, vốn là một đặc tính của đời sống nhân bản đích thực.”[10] Nhân cách mỗi người được hình thành theo dòng lịch sử cuộc đời và đồng thời bao hàm cả những định hướng cho tương lai. Những hoàn cảnh sự kiện tôi kinh qua góp một phần lớn hình thành nên con người tôi lúc này, bên cạnh đó, dự định hiện hữu của tôi lấp ló trong con người hiện tại. “Bản chất năng động của nhân cách đích thực bao hàm một lịch sử và một định hướng cho tương lai. Chúng ta hiểu lịch sử ở đây như là sự hiện diện sống động của quá khứ riêng biệt của mỗi người trong đời sống và sinh hoạt của mình. Định hướng về tương lai bao hàm cái nhìn của họ trước tương lai, các lý tưởng và những sự mong chờ có tính cách thực tế. Nếu là một nhân cách đích thực, thì cả quá khứ lẫn tương lai đều hiện diện một cách sống động trong hoàn cảnh hiện tại.”[11] Vậy, nhân cách con người được hòa quyện bởi một tiến trình lịch sử trong quá khứ của họ và những ý hướng và dự phóng của họ cho cuộc đời phía trước. Vì chưng theo quan điểm của Gabriel Marcel, “hữu thể tôi có một lịch sử, nó là “một sự trường tồn kéo dài, nó bao hàm hay đòi hỏi một lịch sử”. Lịch sử ở đây không có nghĩa là một chuổi diễn biến theo một trật tự và có thể kê khai một cách khách quan. Khi người ta viết tiểu sử về một cuộc đời, thì tiểu sử ấy chỉ giữ lại một khuôn khổ các biến cố một cách cố định; lịch sử như thế đánh mất chủ thể tính, là tính chất đặc thù của hiện hữu. Lịch sử của tôi là một lịch sử cá nhân riêng biệt và có tính cách chủ quan.”[12] Chiều kích lịch sử của đời người là điều hết sức cần thiết để tôi có thể trở nên chính mình. Sử tính được trao cho tôi như một điều khoản gắn liền với số vốn căn bản của cuộc sống làm người: khát vọng vươn lên để hoàn thành cuộc đời mình.

Tuy nhiên, không bao giờ có giải pháp sẵn cho mọi vấn đề cũng như không bao giờ có một lối sống hoàn hảo giành cho tất cả mọi người. Là một con người độc đáo, mỗi người có trách nhiệm hình thành, phát triển và thăng tiến nhân cách của họ theo cách thế của riêng họ. Vì thực ra, “không ai có thể dạy người khác sống cuộc đời của họ!”[13] Con người có khả năng quyết định vận mạng của mình cách tự do và sáng tạo và điều đó tạo nên những nhân cách cá biệt, không ai giống ai. Ý nghĩa cuộc đời mỗi người không phải do người khác muốn mình trở thành cái gì, nhưng là chính người đó, họ muốn sống trọn vẹn và triển nở cuộc đời họ thế nào. Con người có thể hoàn thiện nhân cách của mình hay không hệ tại việc họ có dám chọn lựa và tự quyết cho việc hình thành nhân cách của mình hay không. Trên nguyên tắc, một con người có thể trở nên khá hoàn hảo nếu anh ta sống theo một khuôn mẫu mà người khác trao cho, tuy nhiên, chừng nào không phải tự ý anh ta chọn lựa với đầy đủ ý thức và hiểu biết thì anh ta chưa có một nhân cách thực thụ. Trong đời sống cộng đoàn, mối tương quan đích thực chỉ có thể có được khi mọi người bình đẳng với nhau, khi không người nào đánh mất phẩm giá của mình, đồng thời, mỗi người phải tự do mở tâm hồn mình ra để đón nhận người khác.

Tựu trung, tôi chỉ thực sự trở nên chính mình và thực hiện được con người mình như một vận mệnh khi tôi có ý thức đủ về bản thân, đón nhận chính mình và vươn tới một nhân cách trưởng thành. Tuy nhiên, trong tiến trình trở nên chính mình, sống sung mãn cuộc đời mình, tôi cần sự gặp gỡ với người khác - một cuộc gặp gỡ đúng nghĩa.



[1] Nguyễn Trọng Viễn, Triết học hiện đại (HCM: Trung tâm Học vấn Đa Minh, 2008), tr. 102.
[2] Adrian Van Kaam, C.S.Sp., Religion and personality, (New York: Englewood Cliffs, 1964), Nhân cách tôn giáo, Ngô Văn Vững dịch, tr. 72.
[3] Adrian Van Kaam, sđd.
[4] Trần Thái Đỉnh, Triết học Hiện sinh (Sài Gòn: Thời mới, 1968), tr. 279-280.
[5] Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, tr. 99.
[6] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 70 – 71.
[7] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 73-74.
[8] Nối lửa cho đời 03, Trần Duy Nhiên, “Quà gởi em”, tr.100.
[9] Nguyễn Trọng Viễn, Sđd, tr. 73.
[10] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 78-79.
[11] Adrian Van Kaam, sđd, tr. 79.
[12] Nguyễn Trọng Viễn, sđd, tr. 104.
[13] Trần Duy Nhiên, sđd, tr. 99.

No comments:

Post a Comment