Friday, 1 June 2012

Truyền giáo bằng việc chia sẻ Lời Chúa


 

Là Kitô hữu chắc chắn chúng ta đã từng nghe biết những từ ngữ như “truyền giáo”, “rao giảng Tin Mừng”, “Phúc Âm hóa” rồi gần đây lại có thêm các thuật ngữ “tái truyền giáo”, “tái Phúc Âm hóa” hay “tái Tin Mừng hóa”.
Là tu sĩ, chắc hẳn chúng ta đã hiểu ý nghĩa của chúng và đồng thời cũng có những ý niệm riêng cho mình về những vấn đề đó. Đặc biệt hơn, là một tu sĩ dòng Truyền Giáo Ngôi Lời như tôi, thì đương nhiên đã từng được học, từng nghiên cứu về lãnh vực này. Tuy nhiên, thực chất đã có mấy ai lượng giá lại sự kiện truyền giáo và nhất là phương pháp truyền giáo hay chưa? Công Đồng Vatican II trong Ad Gentes rồi Đức Phaolô VI trong Evangelii Nuntiandi đã trình bày khá nhiều về vấn đề này, nhưng để cụ thể hóa trong hoàn cảnh đặc thù của giáo hội Việt Nam thì chưa thấy công trình nghiên cứu nào có tầm chiến lược. Đây đó người viết có đọc được những bài viết đơn lẻ đánh giá việc truyền giáo tại Việt Nam, có bài đối chiếu với một số mô hình truyền giáo khác, như của Đại Hàn chẳng hạn. Những bài viết này thường chỉ dừng lại ở việc lương giá kết quả mà chưa đi đến nguyên nhân, đặc biệt chưa thấy những gợi ý cụ thể về phương pháp. Ở đây, người viết không tham vọng đưa ra một phương pháp truyền giáo có tính chiến lược, mà chỉ chia sẻ những một kinh nghiệm cá nhân. Hy vọng đó là một gợi ý nhỏ tạo một chút cảm hứng cho một chương trình to tát và một định hướng lâu dài.

Nếu xét những việc làm của các tổ chức tôn giáo như công tác xã hội, dạy học, sách báo là truyền giáo thì người viết đã may mắn tham gia việc truyền giáo ở nhiều nơi với nhiều phương pháp khác nhau. Theo cái nhìn chủ quan của người viết và theo những kinh nghiệm ít ỏi của bản thân, người viết nhận thấy rằng trong bốn mùa hè đi giúp xứ và làm công tác mục vụ từ Miền Tây sông nước lên Tây Nguyên heo hút và cả Miền Bắc xa xôi, 4 năm đi mục vụ tuần tại Tp HCM với nhiều công việc khác nhau, rồi một năm làm công tác xã hội ở Nha Trang, cơ hội tiếp cận với người ngoài Công giáo khá nhiều nhưng cơ hội để nói về Tin Mừng thì quá ít, hoặc quá khó làm. Trong khi đó, trong mấy năm sinh viên, tôi tham gia nhóm sinh hoạt và chia sẻ Lời Chúa của sinh viên Công giáo, tôi thấy tôi có cơ hội nói về Lời Chúa cho người ngoài Công giáo nhiều hơn, mặc dù lúc đó kiến thức đạo lý của tôi còn rất hạn chế. Tương tự như thế, mấy tháng gần đây, khi sinh hoạt với một nhóm sinh viên Công giáo tại Tp HCM, tôi cũng có cơ hội nói về Tin Mừng nhiều hơn những lần đi công tác mục vụ khác. Đó là một thực tế mà thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, khách quan lẫn chủ quan.

Ai cũng biết rằng xã hội ngày càng phát triển, cả văn hóa vật chất lẫn tinh thần, ở đó người ta có nhiều thứ để quan tâm, để bám vào, để hưởng thụ và ngay cả để thắc mắc. Trong muôn ngàn văn hóa phẩm từ phim ảnh đến báo chí sách vở rồi điện tử, không dễ gì người ta chú tâm đến một cuốn sách xuất bản cách nay gần 2000 năm. Tuy nhiên, nhu cầu tâm linh vẫn còn đó, cái trống vắng của tâm hồn những trò tiêu khiển tầm thường và những kiến thức khoa học hay tâm lý không lấp đầy được. Do đó, thỉnh thoảng người này người khác tìm đến với tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Các nhóm sinh viên mà tôi đề cập là những trường hợp như thế. Ở những nhóm này tôi bắt gặp không những các bạn Công giáo đi tìm chân lý nhưng còn có những bạn lương dân vì tò mò hay chỉ vì không có gì chơi trong buổi tối cuối tuần, hoặc vì họ đã chán nãn với những thú tiêu khiển kia mà đến với nhóm. Tôi gặp thấy nơi những con người này, ngoài những khát khao sống của tuổi trẻ, là một sự khát khao tìm kiếm chân lý mà có lẽ họ cũng không tự nhận ra.

Giờ đây, người viết xin nói qua về chương trình sinh hoạt của nhóm sinh viên Công giáo Nha Trang từ gần 20 năm nay và bây giờ vẫn tồn tại. Hàng tuần, vào tối thứ bảy, các bạn tập trung về ba địa điểm khác nhau, thường là ở một nhà thờ, tùy địa bàn mình ở gần địa điểm nào, để sinh hoạt và chia sẻ Kinh Thánh. Đến nơi, mọi người gặp gỡ chuyện trò đôi chút, đúng 19h30, bắt đầu vô chương trình chia sẻ Lời Chúa. Nhóm sử dụng phương pháp 3 bước: đọc, chia sẻ và cầu nguyện. Nhóm sẽ được chia ra thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm khoảng 7 người. Các nhóm chia sẻ trong vòng 30 phút, sau đó tập trung lại và mỗi người dâng một lời nguyện tự phát để kết thúc. Từ 20h00 đến 20h30 là chương trình sinh hoạt vòng tròn, chơi các trò chơi sinh hoạt. Thực ra, lúc đầu nhiều bạn tham gia chỉ vì để được chơi tập thể, hay ‘trần tục’ hơn là để nam nữ ‘vắt vai bá cổ’ giữa công chúng mà không sợ ai dèm pha (lệnh của quản trò mà). Tuy nhiên, chính những chia sẻ dựa trên Lời Chúa kia mới là chất keo kết dính vừa chắc chắn vừa lâu bền của nhóm. Như vậy, các bạn trẻ dù vì tò mò hay vì thích chơi hay vì bất cứ lý do gì, khi bước vào nhóm cũng “được” hoặc “phải” nghe Lời Chúa một cách chăm chú (để còn có cái để chia sẻ). Ngay cả những bạn ngoài Công giáo cũng không phải chờ giờ chơi thôi, ngược lại, họ tham gia tất cả các hoạt động của nhóm, ngay cả chia sẻ cảm tưởng hay cảm nghĩ của mình về Lời Chúa vì các bạn Công có những lời mời rất nhiệt tình. Thiết nghĩ ngoài những môi trường tương tự như thế, khó có thể tìm đâu được một nơi người ta chia sẻ tâm tình của mình đối với Lời Chú trước mặt nhau và nhất là trước mặt những người không Công giáo một cách tự nhiên đến vậy. Chúng ta trở lại với những ý niệm hai chiều về truyền giáo ở trên: xét từ phía các bạn Công giáo: “chia sẻ kinh nghiệm cùng các nhận thức tôn giáo của mình”, “đức tin được chia sẻ chứ không áp đặt”; chiều ngược lại là chiều các bạn ngoài Công giáo chia sẻ và các bạn Công giáo đón nhận: “nhà Truyền giáo sẽ được trở nên phong phú nhờ việc khám phá ra ơn cứu độ của Thiên Chúa đã hoạt động nơi những người khác niềm tin với mình”, “ý thức rằng quà tặng cứu rỗi của Thiên Chúa cũng đã được người không Kitô giáo cảm nghiệm cách này hay cách khác rồi”. Thiết nghĩ những kinh nghiệm tôn giáo mà các bạn chia sẻ cho nhau có trọng lượng hơn tất cả những bài giảng mà người ngoài Công giáo thường cho là một sự “mê hoặc” đối với giáo dân trên bục giảng. Tương tự kiểu nói của mục sư Rick Warren tác giả cuốn “Sống theo đúng mục đích” rằng người ta mua hàng vì chứng kiến sự hài lòng của người đã sử dụng sản phẩm hơn là vì những lời quảng cáo đẹp đẽ của chủ tiệm. Ông đã dùng hình ảnh đó để nói đến cung cách và thái độ sống đạo hay những cảm nghiệm về đạo của các Kitô hữu và những bài giảng của linh mục và mục sư. Thiết nghĩ những cảm nghiệm tôn giáo đơn thành được trao nhau trong bầu không khí ấm cúng như thế có sức tác động đến các bạn ngoài Công giáo rất mạnh. Thực tế, tôi đã gặp nhiều người từng tham gia Thánh Lễ nhiều lần, đi làm công tác từ thiện chung, nhưng không thấy họ có những thắc mắc về “đạo”, đặc biệt là về Kinh Thánh như ở môi trường này. Trong các buổi chia sẻ Lời Chúa, sau thời gian chia sẻ và sinh hoạt, các bạn thường ngồi lại thêm ít phút, đôi khi nhiều phút vì đề tài quá gay cấn. Các đề tài thường xoay quanh những câu Kinh Thánh khó hiểu (khó hiểu đối với những người là sinh viên như tôi lúc bấy giờ) hay những thắc mắc thường gặp về đạo Công giáo chúng ta. Liên tục những thắc mắc được nêu ra, đặc biệt đối với những người nào chia sẻ có vẻ sâu sắc. Có lần tôi “bị” xoay bởi vì không trả lời thỏa mãn câu hỏi: phải hiểu câu “những người không tin thì đã bị luận phạt rồi” như thế nào, phạt là phạt thế nào. Rồi lần khác tôi bị hỏi về sự sáng tạo nên trời đất và thuyết tiến hóa. Thực sự đã có lần tôi muốn trốn chạy, không muốn mình bị mất mặt vì những câu trả lời lớ ngớ, không đầu không đuôi. Tôi bị hỏi nhiều như thế là vì mọi người đều biết tôi ở chung với các chủng sinh ngoại trú của đại chủng viện Sao Biển, và cũng có ý định đi tu.

Tôi nhận thấy đây thực sự là một môi trường tốt cho hạt giống Lời Chúa được gieo xuống và nảy mầm. Lúc đầu tôi thắc mắc tại sao những người không Công giáo hay các bạn trẻ Công giáo khác ở những nơi khác không thấy đề cập gì đến đạo nghĩa và nhất là Kinh Thánh như ở đây. Câu trả lời đơn giản chỉ là không có cơ hội tiếp xúc, và nhất là tiếp xúc chung với Lời Chúa giữa họ với người Công giáo. Tôi muốn nhấn mạnh việc “tiếp xúc chung” bởi vì tâm lý con người, nhất là người Á Đông chúng ta thường hay e ngại, sợ vấn đề mình nêu ra không phải là mối bận tâm của người kia. Sợ mình hỏi điều vô duyên, hay sợ gây khó xử cho người khác. Trong môi trường chia sẻ Lời Chúa thì khác hẳn. Mỗi người cùng chia sẻ với nhau những tâm tình của mình xunh quanh Lời Chúa, những tâm tình đó làm họ gần nhau hơn và họ tự hiểu rằng chính Lời Chúa qui tụ họ, đồng thời họ đang có một mối bận tâm chung: sống Lời Chúa, hay chỉ đơn thuần là hiểu biết thêm. Tóm lại, dẫn dắt người khác đi từ một sự “tiếp xúc chung” tiến đến một “mối bận tâm chung”, việc chia sẻ Lời Chúa quả là một môi trường thuận tiện và hiệu quả để rao giảng Lời Chúa cho người Công giáo lẫn người ngoài Công giáo.


No comments:

Post a Comment