Sunday 20 November 2011

Hội nhập văn hóa trong phụng vụ (không gian phụng vụ)

NỖ LỰC XÂY DỰNG KHÔNG GIAN TÂM LINH
CHO NGƯỜI KITÔ HỮU VIỆT NAM
Nhìn lại một cách bao quát tiến trình hội nhập văn hoá trong phụng vụ tại Việt Nam từ khi đạo Công giáo du nhập cho đến bây giờ, chúng ta sẽ thấy một nghịch lý đáng buồn. Nói rằng ‘tiến trình’ nhưng lại không thấy ‘tiến’ mà chỉ thấy ‘lùi’!
Trong thời kỳ đầu, các nhà truyền giáo đã có những nỗ lực rất lớn nhằm làm cho các nghi thức và không gian phụng vụ trở nên gần gủi với tâm tình tôn giáo của người Việt. Trong thánh lễ, các linh mục đội khăn hoặc mủ bình thiên để tỏ lòng kính trọng ‘Bề Trên’ theo phong tục Việt Nam (không được để đầu trần khi lễ tế hay khi gặp vua quan). Trong cử hành bí tích Hôi phối, cô dâu chú rể trao cho nhau miếng trầu thay vì chiếc nhẫn, vì miếng trầu là biểu tượng sự yêu thương, kính trọng nhau, cũng là sự trung tín và là sự ưng thuận. Xét về mặt kiến trúc và không gian phụng vụ chúng ta cũng có thể thấy rõ những nỗ lực, sáng kiến của các bậc tiền nhân rất táo bạo, đáng cho chúng ta cảm phục và học hỏi. Thỉnh thoảng đây đó chúng ta cũng có thể gặp thấy một số bàn thờ cổ (có nơi đã cho vào kho), một vài gian cung thánh, đài Đức Mẹ và các thánh được cấu tạo và bài trí giống như tủ thờ, bàn thờ trong gian nhà giành riêng thờ cúng tổ tiên hay trong các đền, miếu thờ. Ngoài những ngôi nhà thờ được xây theo lối kiến trúc Gothic hoành tráng và đồ sộ, có khá nhiều những nhà thờ được xây dựng với sự kết hợp khá nhuần nhuyễn các yếu tố văn hoá Á Đông. Ở đây phải nói đến công trình kiến trúc kỷ lục của quần thể nhà thờ Phát Diệm. Nhìn một cách bao quát chúng ta có thấy một khung cảnh hết sức hài hoà giữa thiên nhiên và nhà cửa theo lối phong thuỷ của người Việt. Các hạng mục công trình được kết cấu bởi những đường nét mềm mại, lệ tú nói lên bản sắc trầm lắng, sâu thẳm của người Á Đông. Đa số các nhà thờ ở đây đều có kích thước vừa phải, đặc biệt chiều cao khiêm tốn, vừa tầm vóc con người. Báo Tuổi Trẻ Online nhận định: “Khác biệt với những nhà thờ Công giáo được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic truyền thống phương Tây, nhà thờ đá Phát Diệm (tên gọi chung cho cả quần thể nhà thờ Phát Diệm)[1] (Ninh Bình) mang đậm dấu ấn lối kiến trúc Á - Đông và được xem là một biểu tượng cho sự chuyển thể về văn hóa.”[2] Các hạng mục công trình ở đây đã làm cho chúng ta nhận thấy rõ sự tương đồng với kiến trúc đình chùa Bắc Bộ, tạo cảm giác gần gũi bởi những yếu tố văn hóa bản địa mang lại.
Để xây dựng những nơi thờ tự gần gủi với bản sắc dân tộc nói chung và phù hợp với nét truyền thống trong kiến trúc nói riêng, thiết nghĩ chúng ta cần phải phát hiện và tập hợp những nét riêng độc đáo, đặc thù, cốt lõi và tinh túy của chúng. Ở đây, người viết muốn nêu lên một số yếu tố chính về không gian thờ tự gần gủi với tâm thức người Việt như một lời đề nghị khiêm tốn để các thánh đường Công giáo được xây dựng sau này trở thành nơi phượng tự Thiên Chúa và họp mặt cộng đoàn cách hữu hiệu hơn.
1.     Kích thước và hình dáng
Kiến trúc truyền thống dân tộc ta được định hình khá rõ nét từ ngay thời các vua Hùng. Vào thế kỷ thứ 10 TCN, đã tồn tại hai loại hình kiến trúc chính là loại hình thuyền và loại hình mai rùa.[3] Thời kỳ văn hoá Đông Sơn, trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, in rõ hình dáng độc đáo ngôi nhà sàn có mái võng, hình thuyền thuộc loại có sàn thấp, với 3 gian thông nhau, bếp đặt ở chính giữa nhà, nhà có trang trí ở nóc, hồi, trên cột mái theo mô típ hình chim. Tuy nhà không lớn nhưng có hình dáng, tỷ lệ rất đẹp, phù hợp với tầm vóc của con người. Chúng ta có thể thấy rõ sự khiêm tốn và đơn giản về khối hình, kiến trúc thường cân xứng, hướng nội. Theo tư duy người Việt cổ, trái đất có hình vuông, nên các hạng mục công trình kiến trúc thường được xây trên bình diện vuông để được bốn phương neo giữ. Do đó, hình vuông và mái cong trở thành những nét đặc trưng nơi các đình lành Việt Nam. Vào thời nhà Lê, chúng được tìm thấy nơi kiến trúc các cung đình và lăng mộ và sau đó là nơi kiến trúc đền, chùa và đình. Loại hình kiến trúc này tồn tại và phát triển theo dòng lịch sử cho đến ngày nay. Trên thực tế, chúng ta có thể tìm thấy khắp nơi những công trình đình, chùa, miếu mang kích thước và hình dáng tương tự. Lời nhận xét của linh mục Thiện Cẩm có thể nói lên được đại ý của những nét văn hoá mà kích thước và hình dáng trong kiến trúc Việt Nam muốn diễn tả: “Nền văn hoá ấy thích cái gì nhỏ bé, khiêm tốn, nó thiên về nội tâm hơn là muốn vươn lên chinh phục bầu trời, hoặc trải rộng ra ngoài lấn chiếm không gian”[4] Về tạo hình, người ta chú trọng cái đẹp về tỷ lệ hài hòa, tỷ xích nhân văn nhằm nhấn mạnh sức truyền cảm có sự thống nhất từ chi tiết đến tổng thể làm cho kiến trúc vừa thuận mắt dễ coi, vừa gần gũi với tầm vóc người Việt Nam.
Hai mục đích chính yếu của phụng vụ, nhất là phụng vụ Thánh Thể, là giúp con người qui hướng về Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Vì thế, thiết nghĩ một không gian lý tưởng sẽ làm cho tín hữu khi tham dự phụng vụ có được cảm giác vừa gần gủi, ấm cúng và linh thiêng. Kích thước và hình dáng của nhà thờ tạo nên những tỉ lệ hài hoà, phù hợp với tâm thức người Việt sẽ tạo cho người công giáo Việt Nam cảm giác an bình thư thái và dễ dàng đến với Chúa cũng như gặp gỡ người khác.

2.     Hoà điệu với thiên nhiên
Thiên nhiên, ngoại cảnh là yếu tố căn bản trong kiến trúc Việt Nam. Cái triết lý “vạn vật nhất thể” bàng bạc khắp nơi. Qua thiên nhiên và nhờ thiên nhiên, con người cảm thấy gần gũi, nhẹ nhàng, một bước rất gần tới Chân, Thiện, Mỹ. Nhìn vào kiến trúc nhà cửa, đình, chùa, miếu truyền thống Việt Nam chúng ta dễ thấy một sự hài hòa với khung cảnh thiên nhiên như muốn hòa nhập hữu cơ theo quan điểm "nhất thể vũ trụ," "âm dương quân bình" và "thiên nhiên hợp nhất". Bản sắc kiến trúc được quyết định trước tiên bởi những đặc thù của điều kiện tự nhiên - yếu tố tương đối bền vững như địa lý, sinh thái, khí hậu. Để phù hợp với điều kiện này, nhà ở thường trải dài, bám sát mặt đất hoặc bỏ trống tầng trệt (nhà sàn) để tạo sự thông thoáng. Không gian được tận dụng ứng xử linh hoạt, đa năng, biến hóa phong phú, vừa hòa nhập dễ dàng với thiên nhiên môi trường, vừa thích ứng với hoạt động đời sống nông nghiệp kết hợp với thủ công nghiệp của vùng nhiệt đới ẩm có gió mùa. Các dạng không gian buồng phòng, hiên thoáng, sân trong, sân ngoài... thật phong phú, sinh động và thích dụng. Xen lẫn vào các không gian ở có mảnh sân, vườn cây, hồ nước, thảm cỏ, nhằm tận dụng bóng mát, cải tạo vi khí hậu các buồng phòng, tạo tầm nhìn đẹp. Kiến trúc thường hòa nhập, náu mình trong vườn cây.
Tất cả những yếu tố đó được kết tinh từ một nền văn hoá của những con người luôn sống gần gủi, thân thiết với thiên nhiên và coi thiên nhiên như một phần của cuộc sống mình vậy. Những người Kitô hữu sinh trưởng trong nền văn hoá đó cũng sẽ mong muốn được gặp gỡ Thiên Chúa và họp mặt với nhau trong một khung cảnh yên tĩnh, nhẹ nhàng với sự góp mặt của yếu tố thiên nhiên.
3.     Tính mở (mở ra với con người, cộng đồng)
Một trong những đặc tính cơ bản trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, đã được định hình từ thời Lý, là tính mở với nhiều hạng mục công trình tạo thành một quần thể. Các công trình này thường có nhiều cửa, nhiều lối vào, hành lang rộng, sân rộng, ít khi có hàng rào chắc chắn. Chúng ta cũng đễ dàng nhìn thấy đặc tính này nơi các chùa chiền, miếu mạo và ngay cả nhà ở khắp nơi. Thái độ ứng xử trước hoàn cảnh, bảng thang giá trị của con người Việt Nam tạo nên nét riêng của giá trị truyền thống kiến trúc, ví dụ: Tình làng nghĩa xóm tạo ra lối sống cộng đồng hài hòa, cởi mở, hiếu khách, quan tâm đến nhau. Đời sống gia đình không chỉ bó kín sau cánh cổng nhưng mở ra với xóm giềng bởi nhiều lối ngõ qua lại rất thuận tiện. Cuộc sống gắn chặt với cộng đồng biểu hiện ngay trong khuôn viên gia đình, trên ngõ xóm, đường làng, dưới gốc đa, bên quán nước, trên sân đình, vườn chùa...
Như vậy, một ngôi nhà thờ với tường trong luỹ ngoài kiên cố, cửa luôn đóng kín, vắng hoe bóng người chắc chắn không phải là nơi lý tưởng để người Kitô hữu Việt Nam dừng chân chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn, rồi lắng đọng tâm hồn hầu gặp gỡ vị Thần Linh của họ.
4.     Đường nét và hoạ tiết
Hình ảnh nhà mái cong hình con thuyền được tìm thầy trên mặt trống đồng Đông Sơn cho thấy nét cong đã tồn tại từ lâu và đã trở thành nét văn hoá truyền thống trong kiến trúc Việt Nam. Các mái nhà được uốn cong ở 4 gốc như các “tàu đao” làm cho ngôi nhà dù thấp được vươn cao, tạo sự cân đối, nhẹ nhàng. Mái cong vươn cao chọc thẳng lên trời như thể hiện ước muốn của con người được giao hoà với thần linh cũng như muốn nói lên sự chuyển thông giữa trời và đất, âm và dương. Ngoài việc biểu tỏ tâm tình của con người, hình ảnh mái nhà, mái đình cũng phản ảnh sự thích nghi của con người trước môi trường tự nhiên.
Người Việt muốn hướng lòng mình lên một đấng thần linh của họ qua những nét cong vút thẳng vào không gian, có lẽ người Kitô hữu Việt Nam cũng muốn nơi cầu nguyện của họ mang hình ảnh quen thuộc đó để họ hướng về Đấng mà họ gọi là Chúa Trời.
Về các hoạ tiết, người Việt ưa trang trí kiến trúc bằng chạm trổ và điêu khắc (ảnh hưởng mạnh kiến trúc Nam Á) trên các bộ phận kết cấu và chi tiết kiến trúc nhằm làm giảm nhẹ sức nặng, tạo sự phong phú khi con người tiếp cận gần nhưng khi nhìn xa vẫn hoành tráng, ấn tượng khỏe khoắn. Bước vào ngôi đình, miếu hoặc chùa, điều làm chúng ta ngạc nhiên là có quá nhiều hoạ tiết tinh vi và tinh tế. Mới nhìn lúc đầu, chúng ta như lạc vào một thế giới ảo ảnh, với muôn ngàn hoạ tiết từ to đến nhỏ bay nhảy trong mắt. Cảm giác đó dễ đưa tâm hồn con người vào một thế giới huyền ảo, linh thiêng. Khám phá kỹ hơn chúng ta sẽ thấy tất cả các đường nét dù lớn dù nhỏ đều góp phần tạo nên những hình ảnh mang ý nghĩa sâu sắc đượm màu tôn giáo mà tác giả muốn gởi gắm. Chú ý đến tính biểu tượng, tính ẩn dụ, sự hàm súc, chất điêu khắc của giải pháp tổ chức kiến trúc nghệ thuật, làm cho công trình từ nội dung đến hình thức như chứa đựng chất triết lý, sức biểu hiện nghệ thuật âm thầm, kín đáo nhưng sâu lắng trí tuệ.
Cùng với gam màu tối, những hoạ tiết dày đặc như thế tao nên một không gian hơi âm u nhưng linh thiêng, thiết nghĩ đó cũng là một bầu không khí mà người Kitô hữu muốn gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng ngự trong bí ẩn.
5.     Màu sắc và ánh sáng
Màu sắc và ánh sáng trong những nơi thờ tự tại Việt Nam được kết hợp khá nhuần nhuyễn do kết cấu và bố cục kiến trúc. Nói chung, người Việt không thích những gam màu tươi sáng quá. Trong những nơi thờ tự và ngay cả những bức tượng, chúng ta dễ nhận thấy gam màu chủ đạo là màu vàng đậm và màu nâu hay màu đỏ sậm. Gam màu tối đó kết hợp với cường độ ánh sáng yếu tạo nên một không gian huyền ảo, tĩnh mịch. Khi vào một ngôi chùa Việt, bước qua hàng hiên và bậc cửa, ta thường phải dừng lại giây lát rồi mới bước tiếp bởi ánh sáng đã giảm đáng kể, tới tiền đường thì màu sắc và ánh sáng đã khác hẳn, nó đã hoàn toàn hoà nhập với kiến trúc trong không gian u tịch. Màu sắc và ánh sáng được bộc lộ thật rõ khi nó được phân chia bởi hệ thống lớp lang của không gian kiến trúc nơi tôn nghiêm của tín ngưỡng, tôn giáo. Dựa vào qui luật của tự nhiên mà ánh sáng trong kiến trúc, điêu khắc sẽ thay đổi, nhưng người ta đã tận dụng được ưu điểm của ánh sáng trong nội thất bằng ánh sáng nhân tạo mang tính khả quan. Chúng ta cũng có thể nhận thấy các pho tượng chỉ phủ hoàng kim và sơn son thiếp vàng, khi được đón ánh sáng từ các đèn dầu và nến, ánh sáng kim loại của từng pho tượng sẽ tự phát sáng như ánh hào quang, lung linh và huyền ảo vì bản thân mỗi pho tượng là một nguồn sáng tự thân.
Nhìn chung kiến trúc Việt, đặc biệt, kiến trúc những nơi thờ tự đã kết hợp chặt chẽ ánh sáng thiên nhiên, ánh sáng nhân tạo, gam màu, cộng với phong cách nghệ thuật đã tạo được một bầu khí vừa tôn nghiêm vừa lung linh huyền ảo làm cho ai ai bước vào đó cũng có cảm giác như được chìm vào một thế giới tâm linh. Nhìn lại những ngôi thánh đường Công giáo, chúng ta nhận thấy một sự đảo ngược hoàn toàn. Có lẽ các nhà thờ muốn tận dụng tối đa ánh sáng nhân tạo và những gam màu thật sáng để diễn tả vinh quang Thiên Chúa và ánh sáng Phục Sinh, nhưng vô tình đã làm loảng đi bầu không khí và không làm nổi bật được đặc nét của các ảnh tượng, đặc biệt là tượng chuộc tội. Thiết nghĩ điều đó làm cho người Việt, với tâm tình khiêm tốn, thiên về nội tâm, thích những gì trầm lắng sẽ cảm thấy choáng ngợp trước một cường độ ánh sáng quá lớn và sẽ không có được một cảm giác “như ở nhà mình” để có thể gặp gỡ Cha của họ một cách thân tình và để gặp gỡ nhau mà không cảm thấy ‘mắc cỡ’.
Tóm lại, kiến trúc Việt Nam thiên về biến hóa và tỉ lệ, cái đẹp, cái khéo, có thể tìm thấy khá rõ ở sự phân tích sâu sắc, tính hài hòa, thống nhất và thanh thoát, gần gũi với con người, sự tinh tế và uyển chuyển giữa các chi tiết với nhau, giữa các chi tiết với tổng thể, tổng thể với con người, với cảnh quan. Qua những đặc nét trên, chúng ta có thể thấy tính nhân văn sâu sắc và tính hướng thượng rõ nét trong kiến trúc Việt thật đáng cho chúng ta cảm phục, học hỏi và áp dụng để tạo không gian cử hành phụng vụ lý tưởng cho người Công giáo Việt Nam.
Kết luận
Nhà thờ là trung tâm của các sinh hoạt phụng vụ, do đó, nhà thờ phải là nơi hỗ trợ hữu hiệu để phụng vụ đạt được hai chiều kích chính yếu đó là qui tụ cộng đoàn (chiều ngang) và thờ phượng Thiên Chúa (chiều đứng). Để có thể lắng sâu nội tâm, yên tịnh tâm hồn hầu gặp gỡ thần linh, người Việt cần một bầu khí linh thiêng, tôn nghiêm, hướng nội và một chút lung linh huyền ảo. Để qui tụ một cộng đoàn với tinh thần hiệp nhất chia sẻ thân tình, người Việt cần một không gian ấm cúng, quen thuộc, gần gủi, có hướng mở và hoà điệu với thiên nhiên. Những chỉ tiêu này có thể nói đã tồn tại sẵn trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Thiết nghĩ kiến trúc theo lối truyền thống Việt Nam với những đặc nét như đã nêu trên là một không gian tâm linh lý tưởng để người Kitô hữu Việt Nam gặp Chúa và gặp nhau một cách hữu hiệu. Hiến chế Phụng vụ số 37 đã cỗ võ việc tôn trọng và phát huy những tinh hoa và đặc tính của các dân tộc, thiết nghĩ chúng ta không nên ngần ngại sử dụng những chất liệu sẵn có trong văn hoá Việt để tạo một không gian thích hợp hầu giúp các Kitô hữu tham dự phụng vụ một cách tích cực và hiệu quả hơn.



[1] Chú thích của người viết.
[2] Tuổi Trẻ Online, tuoitre.com.vn, truy cập ngày 04/04/2010.
[3] “Kiến Trúc Việt Nam,” www.baomoi.com/Tag/150/tâm-linh.epi
[4] Thiện Cẩm, Tiếng hát mỗi dòng sông, (2003), tr. 69.

No comments:

Post a Comment